Trái ngược với trẻ em Thành phố, điều kiện sống và học tập của trẻ em vùng cao còn khó khăn và thiếu thốn đủ bề. Nếu chưa từng được đặt chân đến các vùng cao xa xôi và tự mình trải nghiệm cuộc sống ở vùng hẻo lánh này, có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu và đồng cảm được với các em và người dân địa phương.
Quan Hóa (thuộc tỉnh Thanh Hóa) là huyện thuộc miền núi phía Bắc - một trong những huyện nghèo nhất nước ta. Dân cư nơi đây chủ yếu là dân tộc thiểu số như dân tộc Thái, Mường, H’mông, Hoa,… Đời sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Họ sinh sống chủ yếu dựa vào khai thác luồng (một loại cây thuộc họ tre nứa) và đánh bắt thủy sản trên sông Mã. Địa hình cao, hiểm trở và bị chia cắt nhiều (chiếm 95% diện tích là đồi núi) làm việc đi lại và vận chuyển trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn rất nhiều. Cộng thêm việc thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai (lũ quét, lũ ông, mưa đá,…) càng đẩy kinh tế huyện nơi đây thêm khó khăn chồng chất.
Cuộc sống mưu sinh vất vả, tiền ăn chẳng đủ nói gì đến chăm lo cho các em được cuộc sống đầy đủ để các em được học tập ở một ngôi trường đầy có cơ sở vật chất tốt, đầy đủ tiện nghi. Thật vậy, chúng tôi – BMB Steel đã vô cùng xúc động khi đến thăm và trò chuyện cùng thầy cô và các em tại 2 ngôi trường nơi đây.
Ngôi trường đầu tiên là tại điểm trường khu Tân Lập, Trường Mầm non Trung Thành cách điểm trường chính 10 km. Nơi đây có 50 học sinh từ 3 đến 5 tuổi. Trường chỉ có 3 phòng, trong đó có 1 phòng gỗ đã hư hỏng nặng, 1 phòng làm từ tole thép có sẵn, tận dụng phế liệu nên không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Ngôi trường thứ 2 là Trường Tiểu học Phú Thanh, tại điểm trường bản En, cách điểm trường chính 15 km, hiện có khoảng 50 em, độ tuổi từ 5 đến 10 tuổi, hầu hết là người dân tộc Thái. Số phòng học lúc này là 4 phòng, trong đó 2 phòng làm bằng tre nứa tạm bợ xây dựng từ lâu.
Điểm chung của 2 ngôi trường này là đều được xây dựng từ tre nứa, ván ép thô sơ và đã xuống cấp. Trang thiết bị dạy và học vô cùng tối giản, bao gồm 1 bóng đèn tròn được lắp tạm bợ, chiếc bảng đen và những bàn học đã sờn cũ nhưng được xếp ngay ngắn. Vì là vùng cao nên điều kiện tự nhiên nơi đây vô cùng khắc nghiệt. Vào mùa lạnh, các em phải chịu cái rét thấu xương mà những tấm phên đan bằng thân nứa không đủ che ấm cho các em khi ngồi học. Thêm vào đó, địa hình trắc trở, đi lại khó khăn cách rất xa trung tâm. Nhất là vào mùa mưa bão, việc đến trường của thầy cô và các em lại thêm vất vả bội phần.
Khó khăn là thế, thiếu thốn đủ điều là thế nhưng các em nơi đây lại vô cùng hồn nhiên và hiếu học. Dù đường xá hiểm trở, điều kiện gia đình không có, nhưng điều đó không ngăn được bước chân đến trường của các em. Mong muốn được học tập, được biết chữ và thoát nghèo đã tiếp sức cho các em trèo đèo vượt suối mang con chữ về cho mình và cho buôn làng của mình. Từng ánh mắt, nụ cười, cách các em chăm chú theo dõi và đọc theo cô giáo từng con chữ,…những hình ảnh ấy đã khắc sâu trong tâm trí chúng tôi, thôi thúc chúng tôi phải tìm cách giúp các em nhỏ thực hiện ước mơ cắp sách đến trường, được học trong một ngôi trường khang trang, đầy đủ vật chất tiện nghi như các bạn đồng trang lứa ở vùng đồng bằng.
Và ngày ấy đã đến, ngày 17/4/2021, chúng tôi - BMB cùng với CLB “Vì trẻ em vùng cao” (trực thuộc Hội liên hiệp Thanh niên tỉnh Thanh Hóa) đã phối hợp với UBND huyện Quan Hóa tổ chức lễ khởi công xây dựng 2 điểm trường mầm non và trường tiểu học tại 2 xã Trung Thành và Phú Thanh.
Đến ngày 1/12/2021, chúng tôi đã khánh thành và bàn giao 2 điểm trường này. Với Trường mầm non Trung Thành tại điểm trường khu Tân Lập, chúng tôi xây dựng 2 phòng học và 1 bếp ăn. Còn Trường Tiểu học tại điểm trường Bản En thì xây 2 phòng học kiên cố. Tổng chi phí của 2 công trình này là trên 800 triệu đồng, trong đó Quỹ BMB Love School tài trợ 50% tổng chi phí, phần còn lại là được kêu gọi từ các cá nhân, tổ chức khác. Ngoài ra, BMB còn dành tặng một số phần quà cho các em như loa đài, máy lọc nước, chăn, thảm nằm, quần áo ấm, sách vở, đồ chơi,…
Chứng kiến sự vui mừng của các em khi được thấy ngôi trường mới sạch đẹp và nhận được những món quà nhỏ, chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Cảm xúc đó rất khó diễn đạt thành lời. Như Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nói: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Yêu thương là để trao đi, lúc đó ta mới cảm thấy cuộc sống đáng sống và có ích biết bao nhiêu!
Chúng tôi cũng vậy. Quỹ BMB Love School hy vọng trong tương lai sẽ làm được nhiều hơn thế.