Tiếp tục cuộc hành trình mang tri thức đến trẻ em vùng cao Việt Nam, lần này Quỹ BMB Love School quyết định chọn Trường PTDTBT Pá Mỳ - Điểm trường Huổi Pết 1 thuộc bản Huổi Pết, xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là điểm dừng chân tiếp theo. Được biết Mường Nhé là một huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Điện Biên, nằm trên biên giới giữa Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Có thể nói đây là nơi có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung. Thế nhưng cuộc sống người dân nơi đây lại khó khăn đủ bề, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Cùng theo chân chúng tôi để hiểu hơn về sự khó khăn của miền đất tận cùng của đất nước nhé!
10 giờ sáng ngày 22/12/2021, chúng tôi hào hứng cất cánh từ Thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp đến Điện Biên – vùng đất với núi rừng bạt ngàn mang đậm đặc trưng của vùng Tây Bắc. Từ trên cao nhìn xuống, cảnh tượng hùng vĩ nơi đây khiến tôi vô cùng choáng ngợp:
“Ta lạc bước giữa núi rừng Tây Bắc
Hồn đắm say bỏ mặc những muộn phiền
Ghé nơi này cảm thấy sự bình yên
Bởi thơ mộng của một miền hùng vĩ.
Núi trùng điệp hiên ngang và dung dị
Phơi ngực trần tựa ví những chàng trai
Vạt nương xanh hình cô gái miệt mài
Chăm vun xới để bông sai trĩu hạt.
Trích “Sắc màu Tây Bắc” của Hoàng Vũ
Đang mãi ngắm nhìn khung cảnh hoành tráng của thiên nhiên thì chúng tôi đã hạ cánh tại sân bay Điên Biên vào lúc nào không hay. Tại đây, chúng tôi được các cán bộ của Thành phố đón tiếp rất nhiệt tình. Đến khoảng 4h chiều, đoàn chúng tôi theo xe di chuyển đến huyện Mường Nhé. Mường Nhé cách Thành phố Điện Biên Phủ khoảng hơn 200 cây số. Đường đi khá là hiểm trở với những đoạn đèo dốc, sỏi đá gập ghềnh, vách núi cheo leo đôi khi còn bị sạt lỡ giữa đường. Có những đoạn đường rất hẹp chỉ đủ cho một xe đi qua. Nắng dần tắt đi và nhường chỗ cho khoảng tối bao trùm cả khu rừng nhưng đoạn đường của chúng tôi vẫn còn khá xa. Mãi tới 9h tối chúng tôi mới tới được UBND huyện Mường Nhé. Vì trời đã tối và đi một quãng đường khá xa nên chúng tôi quyết định nghỉ ngơi tại đây để lấy sức cho chặng đường tới điểm trường của xã Pá Mỳ.
Ngày hôm sau chúng tôi phải dậy từ rất sớm để đến Trường PTDT tiểu học Pá Mỳ đúng giờ để làm lễ khởi công. Sau hơn 2 tiếng ngồi xe trung chuyển đến UBND xã Pá Mỳ và 40 phút ngồi trên xe máy di chuyển đến điểm trường, chúng tôi càng thấu hiểu sự khó khăn trong việc đi lại của bà con, thầy và trò nơi đây. Không phải đường nhựa hay bê tông thẳng tắp như ở đồng bằng, con đường đến trường của thầy trò nơi núi rừng Tây Bắc quanh co khúc khuỷu rất khó đi. Họ phải trèo đèo lội suối, vượt qua những đầm lầy dưới cái thời tiết giá rét 10 độ C. Trên đường đi, chúng tôi thấy các em nhỏ thường cầm theo một đốm lửa để nhóm lửa giữa đường và sưởi ấm trong cái rét tê tái của tiết trời Tây Bắc. Những trải nghiệm này chợt làm tôi liên tưởng đến vài câu thơ trong bài thơ Tây tiến của Quang Dũng:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
Ngôi trường nhỏ nằm ngay giữa rừng cây dần hiện ra rõ hơn. “Đến nơi rồi!”- giọng chú cán bộ vang lên đầy tự hào, tôi thở phào nhẹ nhõm sau đủ khung bậc cảm xúc từ sợ hãi, thích thú đến kinh ngạc trong suốt dọc đường tới điểm trường. Những cung bậc cảm xúc đó chắc hiếm ai được trải qua như chúng tôi. Chắc hẳn, các bạn chưa một lần thử đi trên đoạn đường chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy đi qua. Một bên là vách núi và một bên là đường mòn nhỏ, nó vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần một chút lơ là từ anh lái xe chúng tôi cũng có thể ngã xuống vách núi lúc nào không hay. Nguy hiểm là thế nhưng vì đem đến tri thức đến các em chúng tôi vẫn tự nhủ trong lòng “Cùng nhau xây dựng một tương lai tương sáng hơn” cho các em cũng làm chúng tôi mạnh mẽ lên đôi phần.
Khung cảnh trường học thật yên bình biết bao với rừng cây xanh, bầu không khí trong lành tuy có chút lạnh buốt của mùa đông. Không bị cái lạnh giữ chân trong phòng học, các em nhỏ vẫn tung tăng nô đùa ngoài sân. Một số em thì chơi “xích đu”, một vài em khác thì chơi trò rượt bắt. Chiếc xích đu được làm bằng cây gỗ, tre, dây thừng và nhìn có phần không chắc chắn. Nó được dựng bằng cách vắt ngang thân cây gỗ lên 2 cây bưởi mọc cạnh nhau để làm xà ngang và dùng dây thừng luồng qua ống tre lớn để làm 2 chiếc ghế đu.
Tại đây hiện đang có hơn 20 học sinh, chính quyền và nhân dân bản Huổi Pết đã dựng nhà lớp học tạm bằng gỗ để các cháu học tập tuy nhiên tới nay đã có dấu hiệu mục nát và không đảm bảo an toàn. Trang thiết bị trong phòng học ngoài chiếc bảng đen thì bàn ghế, giường tủ đều rất cũ kỹ. Bóng điện tròn không đủ thắp sáng cả căn phòng… Một lớp học như thế sao có thể đủ che chắn để thầy trò cùng nhau chuyên tâm dạy dỗ và học tập trong mùa mưa bão hay nắng nóng oi bức. Chúng tôi vô cùng khâm phục các thầy cô ở đây. Họ thật vĩ đại và cao cả khi từ bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở đồng bằng để đến đây và mang lại con chữ cho trẻ em vùng cao – những đứa trẻ sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu thốn về cả về vật chất lẫn tinh thần.
Phải đi tận nơi, tận mắt chứng kiến thì ta mới hiểu được cuộc sống của đồng bào ta ở vùng sâu vùng xa khó khăn đến nhường nào. Nó hoàn toàn đối lập với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà chúng tôi đã thấy trước đó… Bản làng cách xa trung tâm thành phố, giao thông bất lợi (đường xá ở đây chủ yếu là đường mòn), nhất là vào mùa mưa lũ con đường lại trở nên khó khăn gấp ngàn lần. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Đây là bản đặc biệt khó khăn của xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé. Người dân sinh sống chủ yếu nhờ vào việc làm nương rẫy, ruộng bậc thang. Họ sống trong những căn nhà tạm bợ bên sườn đồi, sinh hoạt vô cùng khó khăn khi mà điện nước nơi đây chập chờn lúc có lúc không. Cuộc sống mưu sinh vất vả, cái ăn cái mặc còn chẳng đủ thì làm sao có thể lo cho con em được học tập đến nơi đến chốn. Trong khi đó, việc tiếp thu kiến thức lại là con đường duy nhất giúp các em có cuộc sống tốt hơn.
Chúng tôi tin rằng, tất cả trẻ em đều có quyền được học tập và phát triển trong môi trường giáo dục tốt dưới sự chăm sóc và bảo hộ của mọi người. Do đó sau khi khảo sát và thăm hỏi tình hình của địa phương, chúng tôi - BMB Steel quyết định khởi công xây dựng 2 phòng học và 1 nhà vệ sinh tại điểm trường này. Tổng chi phí đầu tư của công trình này là 550 triệu đồng và được tài trợ 1 phần từ Quỹ BMB Love School và phần còn lại từ việc kêu gọi đóng góp từ các nguồn xã hội. Buổi lễ khởi công xây dựng diễn ra vào ngày 23/12/2021 với sự hiện diện của công an tỉnh Điện Biên, công an xã Pá Mỳ, cán bộ tại huyện Mường Nhé cùng tập thể thầy cô, học sinh Trường PTDTBT xã Pá Mỳ - Điểm trường Huổi Pết 1.
Kết thúc cuộc hành trình đầy ý nghĩa, chúng tôi trở về nhịp sống hối hả chốn Sài Thành. Thế nhưng những hình ảnh về cuộc sống nơi bản làng xa xôi ấy lại luôn ám ảnh trong tâm trí mỗi chúng tôi. Chúng tôi mong trong tương lai không xa, điều kiện sống và học tập của người dân vùng cao ngày càng được đầy đủ và hoàn thiện hơn.
BMB LOVE SCHOOL với sứ mệnh là góp phần giúp trẻ em ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung được học tập và tiếp thu mọi kiến thức, hy vọng các em có khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống cũng như có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của mình. Chúng tôi góp một phần nhỏ xây dựng một môi trường tốt nơi mà mỗi đứa trẻ đều được nhận sự giáo dục đầy đủ.