Cầu trục là thiết bị nâng hạ quan trọng, được ứng dụng rộng rãi trong các nhà xưởng, nhà máy, kho bãi. Với thiết kế linh hoạt, độ bền cao, cầu trục trở thành giải pháp tối ưu trong công nghiệp. Hãy cùng BMB Steel tìm hiểu chi tiết cầu trục là gì, cấu tạo, phân loại, cách bảo dưỡng để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng.
1. Cầu trục là gì?
Cầu trục (hay còn gọi là cẩu trục) là một thiết bị nâng hạ chuyên dụng, được sử dụng để nâng hạ, di chuyển hàng hóa trong các nhà xưởng, nhà máy tiền chế, kho bãi.
Cầu trục có ba chuyển động chính: chuyển động ngang của cầu trên hệ dầm đỡ đặt trên cao, chuyển động qua lại của xe con trên cầu trục để di chuyển tải trọng và chuyển động dọc của móc treo (palang) để nâng hạ, di chuyển tải trọng theo chiều thẳng đứng.
Nhờ sức nâng lớn dao động từ 1 tấn đến 500 tấn và khả năng vận hành chủ yếu bằng động cơ điện, cầu trục đặc biệt phù hợp để xử lý các loại hàng hóa cồng kềnh như sắt, thép, bê tông,...
2. Các bộ phận chính của cầu trục
2.1. Palang
Palang là thiết bị quan trọng nhất của cầu trục, thực hiện chức năng nâng hạ và di chuyển vật liệu theo phương ngang (trái - phải) dọc theo dầm chính. Gồm có 2 loại phổ biến:
Palang xích: Thường được sử dụng cho cầu trục có sức nâng nhỏ, từ 500kg đến 5 tấn.
Palang cáp điện: Phù hợp với sức nâng lớn, từ 1 tấn trở lên.
2.2. Dầm chính
Dầm chính là cấu trúc chịu lực chính, có dạng:
Dầm chữ I, H: Thường sử dụng trong cầu trục dầm đơn.
Dầm hộp: Thường thấy ở cầu trục dầm đôi, giúp tăng khả năng chịu tải.
2.3. Dầm biên
Dầm biên (còn gọi là dầm đầu) được gia công dạng hộp và gắn ở hai đầu dầm chính. Dầm biên kết nối với bánh xe cầu trục và động cơ di chuyển. Chức năng chính là giúp toàn bộ cầu trục di chuyển dọc theo đường ray.
2.4. Thiết bị điện cầu trục
Hệ thống cấp điện cho palang: Cung cấp năng lượng cho các hoạt động nâng, hạ, di chuyển của palang.
Hệ thống cấp điện cho cầu trục: Đảm bảo cung cấp điện dọc theo đường ray di chuyển.
Tủ điện điều khiển: Quản lý và vận hành toàn bộ hoạt động của cầu trục.
2.5. Bánh xe cầu trục
Bánh xe là bộ phận gắn liền với dầm biên, giúp cầu trục di chuyển trên đường ray một cách mượt mà.
2.6. Đường ray di chuyển
Đường ray được bố trí dọc theo chiều dài nhà xưởng, là nơi bánh xe cầu trục lăn để di chuyển toàn bộ hệ thống.
2.7. Động cơ di chyển
Động cơ di chuyển cầu trục: Giúp toàn bộ cầu trục di chuyển dọc theo nhà xưởng.
Động cơ di chuyển xe con: Đảm bảo xe con (nơi lắp palang) di chuyển ngang trên dầm chính.
2.8. Điều khiển cầu trục
Hệ thống điều khiển giúp vận hành cầu trục, có thể là điều khiển bằng tay, điều khiển từ xa hoặc điều khiển tự động qua hệ thống lập trình.
3. Các thiết bị đi kèm cầu trục
Để đáp ứng các yêu cầu công việc khác nhau, cầu trục thường được trang bị thêm các thiết bị phụ trợ nhằm tối ưu hóa khả năng vận hành. Dưới đây là các thiết bị đi kèm phổ biến:
3.1. Kẹp cuộn hay móc C
Thiết bị này được sử dụng để nâng hạ các cuộn thép hoặc tôn trong các xưởng sản xuất thép.
3.2. Gầu ngoạm
Gầu ngoạm thường được sử dụng trong các nhà máy khai thác khoáng sản, vớt gỗ tại các nhà máy thủy điện, múc xỉ ở nhà máy luyện thép, hoạt động dựa trên hệ thống đóng mở bằng cơ học hoặc thủy lực.
3.3. Mâm từ
Mâm từ sử dụng lực hút từ trường để nâng hạ các vật liệu kim loại. Đây là thiết bị lý tưởng cho các xưởng sản xuất thép, gia công cơ khí.
3.4. Dầm nâng
Dầm nâng là công cụ hỗ trợ khi cần nâng hạ đồng thời hai trọng điểm nhưng cầu trục chỉ có một móc nâng, giúp phân bổ lực đều hơn trong quá trình di chuyển tải.
4. Phân loại cầu trục
4.1. Theo ứng dụng trong các lĩnh vực
Cầu trục nhà máy: Được lắp đặt bên trong khu vực sản xuất, chuyên phục vụ các công việc như tháo lắp khuôn mẫu, bảo dưỡng máy móc và thiết bị.
Cầu trục cảng: Dùng để nâng hạ hàng hóa kích thước lớn, container tại các cảng biển, sông.
Cầu trục thủy điện: Phục vụ lắp đặt và vận hành tua-bin, trạm nguồn, nâng hạ cửa xả tại các nhà máy thủy điện.
Cầu trục phòng nổ: Được thiết kế đặc biệt để sử dụng trong các môi trường dễ cháy nổ, như nhà máy khí gas, hầm lò than.
Cầu trục luyện kim: Sử dụng trong các phân xưởng luyện kim để rót kim loại nóng chảy hoặc xử lý xỉ ở nhiệt độ cao.
4.2. Theo kết cấu dầm cầu trục
Cầu trục dầm đơn: Được thiết kế với một dầm chính kết nối với dầm biên ở hai đầu. Pa lăng được lắp đặt phía dưới dầm chính để thực hiện các thao tác di chuyển, nâng hạ. Loại cầu trục này thường có tải trọng nâng trung bình từ 500kg đến 20 tấn, trong đó cầu trục dầm đơn với tải trọng 3 tấn và 5 tấn là hai loại phổ biến nhất hiện nay.
Cầu trục dầm đôi: Có cấu tạo với hai dầm chính, được kết nối bên trên hai bộ dầm biên ở hai đầu. Trên dầm chính, thường lắp đặt một pa lăng dầm đôi, có bộ khung pa lăng với 4 bánh xe độc lập để di chuyển. Cầu trục dầm đôi được sử dụng phổ biến trong các nhà xưởng khi cần nâng hạ các vật nặng có tải trọng từ 10 tấn trở lên.
4.3. Theo cách mang tải
Cầu trục móc: Sử dụng móc cẩu để nâng hạ hàng hóa thông thường.
Cầu trục gầu ngoạm: Sử dụng gầu ngoạm gắn dưới hệ thống palang, xe con, thích hợp để xử lý vật liệu dạng rời như quặng, cát, phế liệu.
Cầu trục nam châm điện: Trang bị mâm từ hoặc xà từ để nâng hạ vật liệu kim loại nhờ lực hút của nam châm điện.
4.4. Theo cách dẫn động các cơ cấu
Dẫn động bằng tay: Sử dụng hệ thống tời kéo tay, phù hợp với các công việc đơn giản hoặc tải trọng nhỏ.
Dẫn động bằng điện: Các cơ cấu được vận hành bằng động cơ điện, bao gồm palang, xe con, động cơ dầm biên,... phù hợp với tải trọng lớn, yêu cầu tốc độ cao.
5. Ưu điểm của cầu trục
5.1. Tính linh hoạt
Do hoạt động trên cao, cầu trục không chiếm diện tích mặt bằng, giúp tận dụng tối đa không gian nhà máy. Với thiết kế tối ưu, nó phù hợp với hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, từ sản xuất đến bảo trì.
5.2. Tiết kiệm chi phí
Cầu trục giúp tiết kiệm chi phí vận hành đáng kể. Nhờ khả năng thay thế một lượng lớn nhân lực và máy móc trong việc vận chuyển hàng hóa, cầu trục không chỉ giảm chi phí mà còn hạn chế việc bảo dưỡng, sửa chữa so với các thiết bị nâng hạ khác.
5.3. An toàn, hiệu quả cao
An toàn là yếu tố quan trọng khiến cầu trục trở thành lựa chọn hàng đầu trong các nhà máy, xưởng sản xuất. Thiết bị này đảm bảo các hoạt động nâng hạ diễn ra an toàn, hạn chế rủi ro trong quá trình làm việc.
5.4. Tuổi thọ cao và vận hành liên tục
Cầu trục có độ bền cao, có thể hoạt động liên tục trong thời gian dài mà không ảnh hưởng đến hiệu suất, đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe trong công nghiệp.
5.5. Là kênh quảng bá thương hiệu hiệu quả
Cầu trục còn có thể tận dụng như một kênh quảng cáo, bằng cách dán logo công ty lên thành dầm, tạo ấn tượng với khách hàng và đối tác khi đến tham quan nhà máy.
6. Lưu ý khi sử dụng và bảo quản cầu trục
6.1. Lưu ý chính khi bảo dưỡng
Tình trạng dầu hộp số, mỡ vòng bi và mỡ cáp thép.
Tình trạng cáp thép: Phát hiện kịp thời những dấu hiệu hư hỏng hoặc mài mòn để thay thế hoặc loại bỏ.
Thiết bị điện bao gồm contactor, aptomat, cầu chì: Đảm bảo nguồn điện cung cấp ổn định và an toàn.
Kiểm tra hành trình: Đảm bảo các công tắc hành trình hoạt động chính xác, ngăn ngừa tai nạn, va chạm trong quá trình di chuyển.
Kiểm tra báo quá tải: Đảm bảo thiết bị cảnh báo hoạt động hiệu quả, giúp người vận hành kiểm soát tải trọng an toàn.
6.2. Thời gian và loại bảo dưỡng
Bảo dưỡng cầu trục được thực hiện theo các giai đoạn cụ thể:
Bảo dưỡng hàng ngày: Trước mỗi ca làm việc, người vận hành cần kiểm tra sơ bộ tình trạng cầu trục, loại bỏ các vật cản trên cầu và đường ray.
Bảo dưỡng hàng tháng: Thực hiện kiểm tra toàn bộ tình trạng thiết bị, bổ sung dầu mỡ cho các bộ phận cần thiết để duy trì hiệu suất hoạt động.
Bảo dưỡng định kỳ hàng năm: Tiến hành kiểm tra chi tiết tất cả các bộ phận của cầu trục. Lập báo cáo tình trạng thiết bị để thay thế, sửa chữa hoặc cảnh báo người sử dụng khi cần thiết.
Cầu trục là thiết bị nâng hạ giúp tối ưu giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn trong sản xuất công nghiệp. Để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, người vận hành cần nắm rõ cấu tạo, phân loại để thực hiện bảo dưỡng định kỳ chính xác nhất.
Hy vọng qua bài viết trên đây, BMB Steel có thể giúp các bạn hiểu được cầu trục là gì và các thông tin bổ ích về cầu trục. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nhà thép tiền chế tư vấn và hỗ trợ.
Vách nhà tiền chế là giải pháp xây dựng nhanh, tiết kiệm chi phí, bền vững, dễ dàng lắp đặt và bảo trì. Cùng tìm hiểu vật liệu làm vách ngăn tiền chế tại đây!
Khám phá ngay top 10 mẫu nhà tiền chế 1 mái độc đáo, tiết kiệm chi phí. Lựa chọn kiểu nhà phù hợp với nhu cầu sử dụng, đảm bảo tính thẩm mỹ cho tổ ấm của bạn.
Nhà tiền chế có cần xin giấy phép xây dựng không? Tìm hiểu quy định pháp luật về thủ tục và điều kiện khi xây dựng nhà tiền chế tại Việt Nam. Xem ngay!
Tìm hiểu khẩu độ nhà xưởng là gì, khám phá các khái niệm khẩu độ khác, cách tính toán, ứng dụng của khẩu độ, một số lưu ý khi thiết kế và xây dựng nhà xưởng.